Viết tiếp bài Chậm như... tu sửa cấp thiết di sản thành nhà Hồ: Đâu là giải pháp sắp xếp tường thành đá?
VHO- Dự án tu sửa cấp thiết tường thành đá di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) có chiều dài 15m đã được thỏa thuận, phê duyệt và thi công, nghĩa là nó đã thực hiện đúng quy trình theo luật hiện hành. Thế nhưng hiện đang có những ý kiến, quan điểm mới về nhiều vấn đề, trong đó đáng chú nhất là giải pháp, kỹ thuật thi công.
Một cấu kiện đá sau khi hạ giải tường thành
Tranh luận là cần thiết để nhận diện rõ hơn giá trị kết cấu, kiến trúc tường thành đá cũng như tìm ra giải pháp hữu hiệu cho kỹ thuật tu sửa. Nhưng điều đáng nói là vì sao những vấn đề này lại không được đặt ra trước khi dự án đi vào triển khai, thực hiện?
Như thế có phải làm ngược?
Như đề cập từ số trước, sau khi hạ giải tường thành và chân móng tại vị trí sạt lở thuộc dự án tu sửa cấp thiết đã xuất lộ 2 đoạn móng với 2 kết cấu khác nhau, trong đó có một đoạn móng có kết cấu khác với kết quả khảo cổ trước đó, ngày 7.9.2022, Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ tổ chức hội nghị thẩm định đánh giá hạ giải di tích với sự tham gia của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL); Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Hội Khảo cổ học Việt Nam; Sở VHTTDL Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án… để xin ý kiến “thống nhất phương án sắp xếp các cấu kiện đá sau hạ giải” đoạn tường thành bị sạt lở.
Như vậy ở đây có dấu hiệu bất thường. Dù là dự án tu sửa cấp thiết thì trong hồ sơ dự án đã thể hiện rõ cơ sở pháp lý, cụ thể là giải pháp, kỹ thuật thi công. Ngoài ra, đối với dự án quan trọng này, Cục Di sản văn hóa cũng đã thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tiếp đó là Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) rồi đến Sở Xây dựng Thanh Hóa. Trong những văn bản thẩm tra, thẩm định của các cơ quan nói trên đã thể hiện rõ biện pháp, kỹ thuật thi công tu sửa cấp thiết tường thành đá di sản văn hóa thành nhà Hồ với những lưu ý hết sức cụ thể, và các đơn vị liên quan tuân thủ thực hiện. Thế nhưng ở dự án này, sau khi hạ giải mới xin ý kiến “thống nhất phương án sắp xếp cấu kiện đá”. Cần nói rõ, xin ý kiến “thống nhất phương án sắp xếp cấu kiện đá” là xin lại cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng có liên quan về giải pháp, kỹ thuật thi công. Đây có phải là quy trình… ngược?
Trong quá trình hạ giải đã xuất lộ những kết cấu móng khác nhau, buộc phải chờ khai quật khảo cổ
Tại Biên bản kiểm tra, đánh giá các cấu kiện đá sau khi hạ giải và giải pháp phục hồi 15m tường thành đá thuộc dự án tu sửa cấp thiết, đơn vị thi công cho biết sau khi hạ giải phát hiện có một số nội dung ảnh hưởng đến tiến độ, nên xin ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý: Các viên đá sau khi hạ giải thường có kích thước nhỏ hơn các viên đá đang có tại các khu vực tường thành không sạt lở; thứ hai, liên kết với nhau giữa các viên đá đã hạ giải bằng vôi vữa; hình thù các viên đá sau khi hạ giải thường không phẳng và có kích thước không giống nhau và không có các chốt để gắn kết với nhau. Trên cơ sở này, đơn vị thi công đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý về đá lót chân móng, phương án sắp xếp đá cho đoạn tường thành và lựa chọn mẫu đá… Qua những thông tin này có thể thấy rằng, công tác khảo sát, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng của 15m tường thành đá thuộc dự án tu sửa cấp thiết chưa thật kỹ nên mới xuất lộ nhiều vấn đề. Đây là dự án tu sửa cấp thiết trên nền hiện trạng của di tích, và cần phải làm đúng với nguyên bản khi đoạn tường thành này chưa bị sụp đổ, nhưng đơn vị thi công lại đề xuất sử dụng những viên đá mới để lắp ghép để tạo nên tường thành. Nếu vậy thì những viên đá sau khi bị sạt đổ hiện đang nằm ở đâu mà cần phải sử dụng viên đá mới thay thế.
Vẫn biết rằng, sau khi hạ giải cần phải đánh giá lại các cấu kiện, trên cơ sở đó đề nghị thay thế nếu những cấu kiện thuộc công trình không thể tái sử dụng vì không đảm bảo độ bền vững, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, nhưng không phải vì thế mà đến thời điểm này mới xin “ý kiến thống nhất phương án sắp xếp cấu kiện đá”. Phương án sắp xếp cấu kiện đá đã thỏa thuận từ khâu thỏa thuận, thẩm định dự án.
Bài học nào cho dự án này?
Dự án tu sửa cấp thiết tường thành đá di sản văn hóa thành nhà Hồ là bước khởi động đầu tiên ở nước ta trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo thành đá, nên chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ, vướng mắc kể cả trong quan điểm cũng như kỹ thuật thi công. Đúng ra, trước khi triển khai, thực hiện dự án này, các bước khảo sát, đánh giá hiện trạng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đặc biệt là giải pháp thi công, chứ không phải đến giữa chừng lại yêu cầu, đề nghị tổ chức hội nghị, hội thảo. Làm như vậy chẳng khác nào “đẽo cày giữa đường”.
Cho ý kiến về những vấn đề đơn vị thi công kiến nghị nêu trên, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu cụ thể nền móng của công trình, vì chỉ có 15m nhưng đã phát lộ 2 loại nền móng khác nhau, để từ đó đánh giá chính xác phương án bảo tồn sau này cho các đoạn tường thành khác chưa bị sạt lở. Ông cũng nhấn mạnh, cần nghiên cứu kỹ giải pháp thi công để đảm bảo bảo tồn đúng yếu tố gốc, phù hợp với các đoạn tường thành đang còn nguyên vẹn, đồng thời sử dụng tối đa các viên đá đã tháo dỡ; đối với những viên nhỏ có thể chuyển đổi vị trí lên trên, nhất là không được dùng vữa để thi công. Đề cập phương án sắp xếp đá, PGS Đặng Văn Bài cho biết, đối với đoạn có đá lót móng, tiến hành lựa chọn sắp xếp lại các phiến đá theo như hiện trạng trước khi tiến hành hạ giải, có thể không đảm bảo chính xác tuyệt đối nhưng phải đúng với yếu tố gốc trước khi hạ giải.
Hiện trường tu sửa cấp thiết đang “đóng cửa”
Ở góc nhìn của mình, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, việc tu bổ tường thành là rất cần thiết và mang tính cấp thiết. Đây là công việc bảo tồn đầu tiên, chưa bao giờ thực hiện tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn phải ý thức được tầm quan trọng của công việc tu bổ tường thành này. Đây là bước mở đầu để thực hiện cho rất nhiều công việc về sau. Đối với đoạn tường thành vừa được hạ giải, về phần chân móng, đề nghị nên xem lại kết quả khai quật chân móng tường thành đoạn bên cạnh năm 2018, có thể tiếp tục thực hiện khảo cổ học để làm rõ hơn, vì kết quả chân móng tại hiện trường một phần có sự sai khác so với báo cáo của khai quật tường thành năm 2018. Đơn vị thi công và khảo cổ học cần phối hợp với nhau tiến hành dọn dẹp, dỡ, vẽ và chụp ảnh hiện trạng, xây dựng thành hồ sơ khoa học để làm thành tài liệu. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức một hội nghị thống nhất được phương án để tiến hành tu bổ, sắp xếp đá.
Riêng về phương án xử lý, sắp xếp đá, PGS Tống Trung Tín lại đề nghị, một là theo cách xếp đá của triều Hồ: phẳng và khít. Trên cơ sở tư vấn của đơn vị thi công, sẽ tiến hành bổ sung một số đá mới theo mẫu các hàng đá của đoạn tường gốc bên cạnh, sau đó sử dụng các phiến đá của yếu tố gốc của cấu kiện đá cũ để xếp đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và phẳng, khít như triều đại nhà Hồ. Hai là sắp xếp lại các hàng đá theo cấu kiện như trước khi tiến hành hạ giải. Để lựa chọn được phương án phù hợp thì cần tiến hành một hội thảo chuyên đề để xin ý kiến và thống nhất được phương án thực hiện. “Đây là một di tích gốc thuộc vùng lõi của di sản thế giới và đây cũng là lần đầu tiên tiến hành tu bổ, tôn tạo một cách bài bản và khoa học nên cần tổ chức hội thảo để triển khai một cách khoa học, thận trọng, đảm bảo để tránh gây ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành nên di tích”, ông Tín nói.
Còn đại diện Cục Di sản văn hoá thì chia sẻ với ý kiến của PGS.TS Tống Trung Tín là sử dụng kỹ thuật của thành nhà Hồ: khít và phẳng để làm đoạn tường đã bị đổ. Tiến hành tái định vị lại các vị trí phiến đá như trước khi tiến hành hạ giải (ở đoạn tường chưa bị đổ). Đồng thời cũng nhấn mạnh, đây được xem là một đoạn tường thành được tổ chức thi công thí điểm, vừa làm vừa nghiên cứu và báo cáo, lấy cơ sở cho các đoạn tường còn lại có nguy cơ cao của thành nhà Hồ. Cần xác định đây là hạ giải chứ không phải phá dỡ, cần phải nghiên cứu kỹ, thực hiện từng bước để đảm bảo được yếu tố gốc của thành. Phương án sắp xếp lại vị trí các phiến đá để cho phù hợp như đơn vị thi công cần hết sức thận trọng… Đại diện Sở VHTTDL Thanh Hóa lại nêu, dựa vào đoạn thành bị đổ và đoạn không bị đổ để đưa ra nhận định được nguyên nhân gây sụp, đổ. Vậy nên, nếu xếp lại đoạn này như trước khi hạ giải, có nguy cơ sẽ tiếp tục đổ. Đơn vị thi công và Trung tâm phải có báo cáo khoa học để trình các cơ quản quản lý, đưa ra được phương án bảo tồn phù hợp nhất.
Dẫn ra như trên để thấy rằng, dự án tu sửa cấp thiết tường thành đá di sản văn hóa thành nhà Hồ chỉ vỏn vẹn 15m đã, đang chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành khai quật khảo cổ; tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn để đồng thuận đưa ra giải pháp tu bổ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chú ý nhất là, phương án sắp xếp theo đúng “thiết kế” lắp dựng thời nhà Hồ hay là lắp ghép theo đúng hiện trạng trước khi đoạn tường thành này bị sụp đổ. Cứ theo đà này, dự án tu sửa cấp thiết không còn là… cấp thiết nữa.
Đây là một di tích gốc thuộc vùng lõi của di sản thế giới và đây cũng là lần đầu tiên tiến hành tu bổ, tôn tạo một cách bài bản và khoa học nên cần tổ chức hội thảo để triển khai một cách khoa học, thận trọng, đảm bảo để tránh gây ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành nên di tích. (PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) |
LÂM SƠN - NGUYỄN LINH